dieu kien tu nhien xa hoi - Châu Thành A

 

Điều kiện tự nhiên xã hội huyện Châu Thành A

1. Kinh tế

Trước đây, người dân huyện Châu Thành A chỉ quen độc canh cây lúa, mỗi năm 3 vụ. Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện đã phát triển theo hướng đa canh, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất bền vững, có tính khoa học cao. Nếu như năm 2009, diện tích trồng màu ở Châu Thành A chỉ có 2.845 ha, thì năm 2010 đã là 3.460 ha. Người dân chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như: dưa hấu, khoai lang, bắp lai, đậu xanh, dưa leo, bí... thu lãi cao hơn trồng lúa 3 - 5 lần. Chi phí trồng các loại cây màu thấp, ít rủi ro và đầu ra cũng dễ dàng. Thương lái từ Cần Thơ, Kiên Giang... tìm đến tận rẫy để mua.

          Mô hình trồng rau màu, phong trào nuôi thủy sản của huyện phát triển nhanh và mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Mặc dù không có lợi thế như các vùng Ô Môn, Thốt Nốt của Cần Thơ, nhưng Châu Thành A lại có diện tích mặt nước khá rộng. Huyện định hướng phát triển thủy sản theo hướng đa dạng về con giống, chủng loại, vận dụng điều kiện thực tế cụ thể để phát triển các mô hình nuôi: lươn, ba ba, rô phi, bống tượng, thát lát cườm, sặc rằn, tôm càng xanh...

          Theo kế hoạch phát triển kinh tế, huyện Châu Thành A sẽ thực hiện đồng bộ chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, các ngành nghề phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn. Tiếp tục phối hợp với tỉnh thực hiện dự án Cụm công nghiệp tập trung Tân Phú Thạnh, quy hoạch xây dựng Trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện tại xã Nhơn Nghĩa A. Quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm thương mại; đa dạng hoá các loại hình thương mại, dịch vụ, trong đó tập trung khai thác các khu dân cư, tái định cư. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến và thương mại - dịch vụ.

2. Xã hội

Về hạ tầng cơ sở, sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hậu Giang, Châu Thành A có khá nhiều chợ nổi tiếng với vai trò đầu mối giao thương, nhưng hầu hết đều xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Xuất phát từ thực tế này, huyện Châu Thành A tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt ưu tiên 3 lĩnh vực: đường giao thông nông thôn, điện và hệ thống chợ. Qua hai năm triển khai, huyện đã xây dựng được hệ thống đường bê tông, đường nhựa đến tất cả các ấp, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ cho người dân. Trong tương lai không xa, khi những tuyến đường lớn đi qua địa bàn huyện như: tỉnh lộ 926, tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, lộ nội ô thị trấn Một Ngàn; khu công nghiệp Tân Phú Thạnh... hoàn thành, sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng tốc; thu hút nhiều nhà đầu tư, làm nên diện mạo mới của vùng quê bên dòng Xà No.

          Về giáo dục, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt 98%. Năm 2010, tỷ lệ phổ cập Trung học cơ sở đạt 87,0%, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt 89,57% được tỉnh tái công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Ngày 18-02-2008, Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định thành lập trường Đại học Võ Trường Toản đóng tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Trường có diện tích 20 ha, gồm các ngành: kinh tế, công nghệ, nông nghiệp, xây dựng, tin học và xã hội học nhân văn. Đây là trường đại học tư thục đầu tiên của Đồng bằng Sông Cửu Long.

          Về y tế, cơ sở hạ tầng y tế của huyện còn hạn chế. Bệnh viện Đa khoa Châu Thành A được xây dựng trên cơ sở nâng cấp phòng khám đa khoa khu vực của thị trấn Một Ngàn với 48 giường, nhưng vẫn chưa đủ so với chỉ tiêu của Sở Y tế Hậu Giang giao là 60 giường. Bệnh viện phải kê thêm giường bệnh ra tận hành lang. Hầu hết các phòng chức năng của bệnh viện đều không đạt chuẩn do diện tích quá hẹp. Huyện đang xây dựng bệnh viện mới tại trung tâm huyện với qui mô là 150 giường, với tổng kinh phí khoảng 70 tỉ đồng và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2012.

          Công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động được thực hiện thường xuyên và liên tục. Năm 2010 toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 5.525/2.650 lao động, đạt 208,5% chỉ tiêu giao; xây dựng và bàn giao 13/10 căn nhà tình thương, đạt 130% và 46/20 căn nhà nghĩa, đạt 230%.

Hiển thị văn bản tạm thời không có.
Đang online: 13
Hôm nay: 1019
Đã truy cập: 2180934
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.